Nghiên cứu: Kim cương màu (Fancy Color Diamond)


Núi ánh sáng Koh-i-Noor

11/05/2018

Núi ánh sáng Koh-i-Noor

Ở dạng thô ban đầu, viên kim cương có kích thước bằng một quả trứng gà nhỏ, viên kim cương Koh-i-Noor được phát hiện từ lớp bùn sông ở đông nam Ấn Độ, lần đầu tiên xuất hiện trong sử sách vào thế kỷ 13. Nó được lắp làm mắt trên hình vẽ của một nữ thần Hindu trong một ngôi đền. Nó từng bị nhiều lãnh chúa cướp trong nhiều thế kỷ qua trước khi rơi vào tay Quốc vương Nader của Ba Tư thế kỷ 18 sau khi chinh phục một phần  Ấn Độ.

Koh-i-Noor nghĩa là “núi ánh sáng” trong tiếng Ba Tư và là những từ mà Quốc vương Ba Tư thốt ra khi lần đầu tiên nhìn thấy viên kim cương. Khi đế chế của Quốc vương Ba Tư sụp đổ, một tướng của ông đã lấy viên kim cương và đưa tới Afghanistan. Một trong số con cháu của người này đã bỏ trốn cùng viên kim cương tới Lahore và viên kim cương bị Ranjit Singh chiếm năm 1813. Koh-i-Noor nằm trong tay người Sikh 36 năm cho đến khi Duleep Singh buộc phải dâng cho người Anh.

Tháng 12/1849, viên kim cương được giao cho Toàn quyền Ấn Độ. Tháng 2/1850, nó được niêm phong bên trong một két sắt an toàn và được chuyển về Anh bằng tàu thủy. Con tàu gặp thời tiết giông bão mạnh khiến người ta sợ rằng tàu sắp chìm. Cuối cùng, Koh-i-Noor cũng tới nước Anh và được chuyển giao đầu tiên cho Chủ tịch công ty Đông Ấn. Ngày 3/7/1850, nó được đích thân Duleep Singh dâng cho Nữ hoàng Victoria, là một phần trong điều kiện kết thúc cuộc chiến Sikh. Người ta đã đưa Duleep Singh tới Anh chỉ để làm nhiệm vụ này.

Năm sau, viên kim cương được trưng bày trong một lều đỏ ở Đại Triển lãm tại công viên Hyde. Hàng chục nghìn người đã tới chiêm ngưỡng nó qua những song sắt bảo vệ. Ánh đèn xung quanh càng làm nó thêm lung linh.

Điều đáng chú ý nhất về viên kim cương là ngoài kích thước khổng lồ, viên kim cương tương đối xấu xí do có nhiều bao thể. Nó chưa từng được coi là viên kim cương đẹp nhất. Đó là lý do tại sao Hoàng thân Albert, chồng Nữ hoàng Victoria, sau đó đã cho đánh bóng lại và tạo hình lại viên kim cương. Việc này được giao cho các thợ chế tác người Hà Lan.

Quá trình sửa sang làm cho Koh-i-Noor hoàn hảo và có hình oval dễ nhìn hơn nhưng cũng làm giảm kích thước của nó hơn 1/3. Từ trọng lượng 186 cara (37,2 gram) nay chỉ còn 105,6 cara (21,1 gram). Sau đó, viên kim cương đã được gắn vào vương miện của Nữ hoàng Victoria và về sau ngự trị trên mũ miện của Nữ hoàng Mary và cuối cùng là vương miện của mẹ của Nữ hoàng Elizabeth hiện nay. Chiếc vương miện cùng với toàn bộ đồ trang sức trên đó được cất ở Tháp London. Hiện chưa biết đây có phải là nơi ở cuối cùng của Koh-i-Noor hay không, chỉ biết Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2013 đã nói rõ rằng Anh không có ý định từ bỏ quyền sở hữu viên kim cương.

Trước đó, chính phủ Ấn Độ cũng nhiều lần đòi Anh trả lại Koh-i-Noor, lần đầu tiên là ngay khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947. Lần thứ hai là vào năm 1953, năm đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II. Lần nào đề nghị cũng bị Anh bác bỏ, nói rằng quyền sở hữu là không thể bàn cãi.

Năm 1976, Pakistan cũng đòi quyền sở hữu viên kim cương. Trong bức thư gửi Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto, Thủ tướng Anh James Callaghan đã từ chối yêu cầu này. Năm 2000, một vài thành viên quốc hội Ấn Độ đã ký thư kêu gọi trả lại viên kim cương, cho rằng nó đã bị lấy bất hợp pháp. Thậm chí, người phát ngôn các vấn đề đối ngoại của Taliban ở Afghanistan cũng cho rằng Koh-i-Noor là tài sản hợp pháp của Afghanistan.